Từ thời Hippocrates, một loại bệnh vàng da gây dịch, lây lan qua đường tiêu hóa đã được mô tả. Đến thế kỷ 17 và 18, những trận dịch viêm gan đầu tiên được ghi nhận ở Châu Âu, thường xảy ra ở những nơi tập trung đông người, điều kiện vệ sinh kém, lúc có chiến tranh... Khi ấy, một loại siêu vi lây qua đường tiêu hóa là nguyên nhân gây bệnh đã được nghĩ tới. Năm 1973, bằng kính hiển vi điện tử, các nhà khoa học đã quan sát được siêu vi gây bệnh, đặt tên là siêu vi viêm gan A, hay gọi là siêu vi A hoặc HAV (Hepatitis A virus).
Viêm gan siêu vi A lây nhiễm qua đường ăn uống, qua tiếp xúc với người bệnh, nguồn nước, môi trường sống nên nguy cơ lây bệnh rất dễ dàng, một số nguyên nhân thường gặp: lây nhiễm từ người sang người qua đường tiêu hóa, ăn hải sản không nấu chín, vệ sinh cá nhân không tốt, ăn chung bát đũa, sống đông đúc chật hẹp, môi trường sống ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, tiếp xúc với người bị bệnh viêm gan siêu vi A…
Siêu vi A có khả năng sống nhiều tuần trên những vật dụng khô ráo ở nhiệt độ phòng, nhiều năm ở nhiệt độ - 20 độ C, bị hủy ở nhiệt độ sôi trong 5 phút. Siêu vi A có thể hiện diện nhiều ngày đến nhiều tuần trong sò, ốc, nước thải, đất cát, nước biển… mà vẫn giữ nguyên tính lây nhiễm.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus được nhân lên, khoảng 30 ngày sau sẽ phát bệnh, các triệu chứng của bệnh kéo dài từ 2-6 tháng, có những trường hợp không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào.
Các dấu hiệu viêm gan siêu vi A thường gặp: sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nước tiểu vàng sẫm, vàng da vàng mắt, đau bụng, đau hạ sườn phải, phân lỏng bạc màu…
Dấu hiệu bệnh viêm gan siêu vi A thường mờ nhạt, không rõ ràng do đó xét nghiệm máu là biện pháp tốt nhất để xác định bệnh. Trong thời gian phát bệnh, kháng thể chống siêu vi A(HAV-IgM) tăng cao. Ngoài ra có thể soi phân và máu bệnh nhân bằng kính hiển vi điện tử cũng tìm thấy vi rút viêm gan siêu vi A.
Bệnh viêm gan A có nguy hiểm không?
Bệnh viêm gan siêu vi A không gây viêm gan mạn tính, do đó không gây ra xơ gan, ung thư gan. Có tới 90% người bệnh có khả năng tự khỏi không cần điều trị nhưng vẫn có một số ít trường hợp diễn biến sang thể ác tính gây tử vong cho bệnh nhân.
Bệnh viêm gan siêu vi A hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là các giải pháp điều trị hỗ trợ. Khi bệnh diễn tiến nặng, tối cấp, cần cho bệnh nhân nhập viện để điều trị hồi sức cấp cứu tích cực.
Viêm gan siêu vi A là bệnh có tỷ lệ mắc cao ở những nước có điều kiện kinh tế còn kém phát triển và yếu về khâu vệ sinh thực phẩm. Bệnh ít khi lây truyền qua đường máu và con đường lây lan của bệnh chủ yếu qua đường ăn uống từ người bệnh sang người lành, vì thế càng làm cho nguy cơ mắc bệnh tăng cho những người thường đi du lịch quốc tế nếu bệnh không được kiểm soát một cách đúng đắn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét